Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên triển khai các biện pháp ứng phó siêu Bão mangkhut

15/09/2018  Lượt xem: 632
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cùng với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, những ngày tới siêu bão Mangkhut sẽ đi vào biển Đông và có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. 
 
Vào khoảng 13h chiều ngày 14.9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 17 độ vĩ bắc; 125,3 độ kinh đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 300km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17,  giật trên cấp 17. 
 
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 14.9 ở vùng biển Đông bắc biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp dần lên cấp 11-12, từ sáng ngày 15.9 tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. 
 
Theo dự báo, khả năng siêu bão MangKhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng từ ngày 16-17.9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18.9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19.9.
 
Dự báo hướng di chuyển của siêu Bão Mangkhut
 
Tại Hưng Yên, từ ngày 17.9 dự báo sẽ có mưa to với lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi lớn hơn. Có gió mạnh trên cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 10. Diễn biến của siêu bão còn rất phức tạp, cần chú ý theo dõi và chủ động ứng phó.
Nhằm kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của siêu Banox Mangkhut Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai công văn số 138 ngày 14/9/2018 để chỉ đạo các huyện thành Hội khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão Mangkhut. Theo đó: 

Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên yêu cầu Hội Chữ thập đỏ các huyện thành phố khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

1. Công tác chuẩn bị.

1.1. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mưa bão; tuyên truyền rộng khắp tạo ý thức phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong nhân dân để sẵn sàng chủ động chằng chống, kê kích nhà cửa, dự trữ lương thực, bảo vệ giấy tờ, phương tiện, tài sản cá nhân, gia đình trên tinh thần tự bảo vệ mình và gia đình khi thiên tai xảy ra, đồng thời chủ động khắc phục hậu quả sau bão để ổn định cuộc sống.

1.2. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, xác định vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão, kịp thời phổ biến đến nhân dân địa điểm an toàn để nhân dân sẵn sàng di dời khi tình huống xấu xảy ra. Phân loại xác định đối tượng cần cứu trợ khẩn cấp trong mưa bão.

1.3. Kiểm tra lại các phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ để sẵn sàng phục vụ. Chuẩn bị sẵn nhân lực, nguồn hàng, tiền, lương thực, thuốc men sẵn sàng cứu trợ khẩn cấp khi có tình huống xấu xảy ra.

1.4. Huy động lực lượng tình nguyện viên trợ giúp các hộ gia đình neo đơn, trẻ em mồ côi và nhân dân trên địa bàn trong việc thu hoạch hoa màu, khơi thông cống rãnh, chằng chống, kê kích nhà cửa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho nhân dân.

2. Công tác ứng phó khi bão tràn về.

2.1. Thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo nhanh tình hình thiệt hại ban đầu trong nhân dân về tỉnh Hội qua Email: chuthapdohungyen@gmail.com và số điện thoại: 02213.868.386 hoặc qua số điện thoại di động của cán bộ phụ trách huyện, thành phố.

2.2. Phân công lực lượng tình nguyện viên và điều động phương tiện, dụng cụ cấp cứu tham gia di dời, hỗ trợ nhân dân trong mọi tình huống.

2.3. Lập danh sách đối tượng cần cứu trợ khẩn cấp; tổ chức cứu trợ khẩn cấp bằng nguồn lực dự trữ có sẵn tại địa phương; phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động quyên góp, tiếp nhận nguồn lực cứu trợ và tổ chức phân phối cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng lúc, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, chính xác, trung thực và công bằng.

3. Công tác khắc phục sau cơn bão.

3.1. Huy động tình nguyện viên, thanh niên xung kích chữ thập đỏ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai (di chuyển về nơi ở cũ, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường…); tuyên truyền vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đồng thời phối hợp với cơ quan Y tế triển khai việc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh và tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

3.2. Tổng hợp và báo cáo Hội Chữ thập đỏ tỉnh về tình hình thiệt hại sau mưa bão trên địa bàn, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động nguồn lực hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng nhằm kịp thời hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất.

Trần Đãi - Hội CTĐ tỉnh