Hơn 2,3 triệu địa chỉ nhân đạo được trợ giúp

15/01/2019  Lượt xem: 95737

Trong 10 năm qua (2008 - 2018) các cấp Hội Chữ thập đỏ đã khảo sát, lập hồ sơ trên 2,5 triệu địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trợ giúp được 2,3 triệu địa chỉ, với tổng các giá trị trợ giúp quy thành tiền đạt gần 3.813 tỷ đồng.

Sáng ngày 15/1, tại Hà Nội, Trung ương Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo giai đoạn 2008 - 2018 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai và thực hiện Cuộc vận động, giai đoạn 2008-2018.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính Phủ - Vũ Đức Đam; bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng An, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam; cùng đại diện Hội CTĐ các tỉnh thành trên cả nước và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong quá trình triển khai cuộc vận động.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Tháng 5/2008, Ban Chấp hành Trung ương CTĐ Việt Nam khóa VIII đã phát động Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (viết tắt là Cuộc vận động). Đây là Cuộc vận động mang tính chiến lược của toàn Hội, có tính xuyên suốt theo hướng trợ giúp gắn với phát triển bền vững, được thực hiện trong bối cảnh có nhiều phong trào, cuộc vận động chồng chéo, nguồn lực phân tán, chưa rõ địa chỉ.

Thông qua Cuộc vận động, năng lực vận động, tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhân đạo của tổ chức Hội ở nhiều nơi được nâng lên; sự phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hoạt động nhân đạo được củng cố. Cuộc vận động tiếp tục góp phần chuyển hướng tư duy, nhận thức của Hội về tổ chức hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, về tính cộng đồng trách nhiệm trong trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở phát triển quan hệ đối tác, từng bước khẳng định đầy đủ hơn vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội, góp phần giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo, làm lan tỏa sức mạnh nhân đạo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong 10 năm qua của Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, có ý nghĩa thiết thực, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo với tinh thần, chăm lo cho tất cả mọi người không để ai bị bỏ lại phía sau. Cuộc vận động không chỉ trợ giúp những hoàn cảnh khó khăm mà quan trọng hơn là phát huy để cùng tham gia đóng góp vào phát triển xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng, công tác nhân đạo không chỉ của Hội CTĐ mà cần có sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, điều này hết sức quan trọng. Vì ở đâu có sự vào cuộc của chính quyền các cấp thì ở đó hoạt động nhân đạo được thuận lợi hơn. Qua đó ta càng thấy ý nghĩa của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo. Bên cạnh đó, các cấp uỷ chính quyền, Hội CTĐ, các đoàn thể, tổ chức cần cố gắng có sự phối hợp đồng bộ giữa các chương trình xoá đói giảm nghèo, nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá...; Kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động nhân đạo, trợ giúp người yếu thế. Đồng thời, phải phát huy sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý những địa chỉ nhân đạo, để đưa các nhà hảo tâm đến gần hơn với những hoàn cảnh khó khăn.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động và xây dựng các mô hình công tác xã hội nhân đạo đã được triển khai ngày càng sâu rộng; lôi cuốn được đông đảo cán bộ, hội viên, tổ chức, các nhà hảo tâm và nhân dân tham gia, góp phần trợ giúp kịp thời, thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phát triển bền vững; được cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân ở nhiều địa phương đánh giá cao.

Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều mô hình công tác xã hội nhân đạo tiêu biểu là “thương hiệu” của CTĐ Việt Nam, là sáng kiến được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức và Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ghi nhận, như: mô hình Bếp ăn tình thương, Xây nhà chữ thập đỏ, "Ngân hàng bò", "Liên gia đình giúp một gia đình", “Hũ gạo tình thương”, hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam…

Trong quá trình triển khai, Cuộc vận động đã tạo được nhiều điểm ấn tượng như: Là Cuộc vận động của Hội được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ nhất; Cuộc vận động được lãnh đạo chủ chốt cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương tham gia nhiều nhất; Cuộc vận động với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả mang tính phát triển bền vững nhất; Cuộc vận động thể hiện vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động của CTĐ rõ nhất; Cuộc vận động gắn kết được các tập thể, cá nhân tham gia nhiều nhất.

Thông qua Cuộc vận động, trong 10 năm qua (2008 - 2018) các cấp Hội đã khảo sát, lập hồ sơ trên 2,5 triệu địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trợ giúp được 2,3 triệu địa chỉ (đạt tỷ lệ 91%/tổng số địa chỉ được lập hồ sơ) với tổng các giá trị trợ giúp quy thành tiền đạt gần 3.813 tỷ đồng. Trong tổng số các địa chỉ được hỗ trợ, có 42% địa chỉ do Hội hỗ trợ; 58% địa chỉ do Hội vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác hỗ trợ. Một số tỉnh, thành Hội đạt kết quả vận động cao là: TP.Hồ Chí Minh (571,2 tỷ đồng), TP.Hà Nội (418,5 tỷ đồng), Thanh Hóa (163,4 tỷ đồng), Quảng Ngãi (163,4 tỷ đồng).

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho hay: Trong giai đoạn tiếp theo, CTĐ Việt Nam phấn đấu: 100% các tỉnh, thành Hội tham mưu tỉnh, thành ủy, UBND có văn bản chỉ đạo Cuộc vận động hoặc quyết định lập Ban chỉ đạo; Vận động ít nhất 50% người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch danh dự của Hội, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đề cao trách nhiệm nêu gương, đăng ký tham gia trợ giúp ít nhất 01 “địa chỉ nhân đạo”; Xây dựng ngân hàng "địa chỉ nhân đạo” trên cổng thông tin điện tử của Hội; 75% số cơ sở Hội hoàn thành khảo sát địa chỉ nhân đạo; 70% số “địa chỉ nhân đạo” được đăng ký trợ giúp; Hàng năm trợ giúp ít nhất 500.000 địa chỉ nhân đạo, trong đó mỗi xã/phường/thị trấn và tương đương có điều kiện khó khăn đăng ký ít nhất từ 1 địa chỉ mới; mỗi xã/phường/thị trấn và tương đương có điều kiện trung bình trở lên đăng ký ít nhất từ 2 địa chỉ mới; phấn đấu mỗi năm toàn Hội phát triển 15.000 địa chỉ mới; Mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô hình công tác xã hội nhân đạo được áp dụng thực hiện có hiệu quả; Chỉ đạo điểm trong toàn quốc 5-7 mô hình trung tâm hoạt động chữ thập đỏ gắn với hoạt động dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo để hỗ trợ các hoạt động khác; 100% các tỉnh, thành Hội duy trì được nguồn quỹ Hội hỗ trợ cho việc triển khai Cuộc vận động và phát triển các mô hình hoạt động nhân đạo.

Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Hội CTĐ Việt Nam xác định một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc vận động; Rà soát danh sách ”địa chỉ nhân đạo”, duy trì thường xuyên việc khảo sát, lập hồ sơ ”địa chỉ nhân đạo” theo hướng dẫn thống nhất vận dụng phương thức gắn linh hoạt; Đổi mới phương thức trợ giúp đối tượng, xác định chu kỳ gắn phù hợp, đảm bảo liên tục, hiệu quả, thiết thực theo hướng phát triển bền vững; Phát triển các phong trào, cuộc vận động của Hội phải gắn liền với xây dựng các mô hình, điển hình; Chỉ đạo thống nhất, lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn của địa phương và khả năng tham gia của cộng đồng, đảm bảo mô hình có chiều sâu, lan tỏa và bền vững; Coi trọng kiểm tra, công tác thông tin, tuyên truyền, công tác tôn vinh, khen thưởng trong quá trình thực hiện Cuộc vận động.

Tại Hội nghị đã có 5 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 20 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương CTĐ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

 theo baonhandao.vn