Phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng: ‘Xuân nhân ái – Cho đi là còn mãi’

20/02/2019  Lượt xem: 104542

“Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não, không chỉ mang lại sự sống cho những người khác mà còn giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Trường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tại chương trình “Xuân nhân ái – Cho đi là còn mãi”.

Ông Nguyễn Sỹ Trường – Chủ tịch Chữ thập đỏ TP. Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, hơn 25 năm qua, từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam vẫn còn rất ít trong khi đó số lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng hiện nay rất lớn và đang ngày càng tăng nhanh chóng. Rất nhiều người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi,... đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu, chống chọi để giành giật lại sự sống nhưng rất ít người trong số họ có cơ hội được ghép mô, tạng vì số người hiến còn quá khan hiếm. Nhờ đó nhiều người đã có thể sống tiếp cuộc đời tươi đẹp bằng ánh sáng được hiến tặng từ những người hiến giác mạc xa lạ, hay từ những trái tim nhân hậu....

Từ những câu chuyện về bé Hải An, bé Vân Nhi, thiếu tá Lê Hải Ninh hay anh Dương Hồng Quý…. càng nhân lên thêm ý nghĩa nhân đạo của hành động này. Số người tự nguyện hiến tạng đã tăng những vẫn ít so với nhu cầu thực tế. Nhằm phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam với phương châm “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”, sáng 18/2, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội tổ chức chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi” phát động trong toàn hệ thống Hội đăng ký hiến tặng mô, tạng thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái cao cả.

Ngay tại buổi lễ phát động đã có rất nhiều người đăng ký tham gia hiến tặng mô, tạng. Người mà tôi đặc biệt ấn tượng đó là anh Chu Văn Hưng (36 tuổi, ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội), là người khuyết tật nhưng đã có mặt từ rất sớm tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Bước vào phòng mọi ánh mắt dường như hướng về phía anh, ngồi trên chiếc xe lăn nhưng anh Hưng rất tươi cười, phấn khởi vì mình đang làm được một việc rất có ý nghĩa cho đời.

Nhiều người đăng ký tham gia hiến tặng tại buổi lễ phát động.

Bà Hạnh (mẹ của anh Hưng) kể, ngày bé Hưng bị sốt co giật dẫn đến bị liệt, bố thì mất sớm, chị và em gái đã lấy chồng, giờ mọi sinh hoạt của Hưng do người mẹ giúp đỡ. Hưng xem ti vi và mong muốn được tham gia hiến tặng mô, tạng từ lâu rồi, nhưng giờ mới có cơ hội. “Từ bé đến giờ em phải ngồi trên xe lăn, sống không làm gì có ích cho ai, nên em mong muốn khi mình chết đi sẽ mang lại cơ hội cứu sống được ai đó”, anh Hưng chia sẻ.

Chu Văn Hưng – người khuyết tật tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.        

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Sỹ Trường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội cho biết: “Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não, không chỉ mang lại sự sống cho những người khác mà còn giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn bởi khi nhu cầu ghép tạng tăng cao sẽ có thể dẫn đến tình trạng buôn bán nội tạng, ăn cắp nội tạng, nuôi người để bán nội tạng và còn nhiều việc tiêu cực khác. Hiểu rõ được ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả của hành động hiến tạng nên sau khi được tuyên truyền tất cả các cán bộ đang công tác tại cơ quan Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội đã tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng. Từ những thành công của phong trào hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ thành phố tiếp tục phát động trong toàn Hội và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Hội Chữ thập đỏ thành phố mong muốn nhận được sự ủng hộ, tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng từ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ cũng như trong toàn cộng đồng để ngày càng nhân lên thêm những tấm lòng nhân ái, mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho những người bệnh đang ngày ngày phải đối mặt với bệnh tật. Đồng thời thể hiện được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác nhân đạo đối với cộng đồng, đối với xã hội để cho đi là còn mãi, ngọn lửa yêu thương nhân ái luôn cháy mãi”.

Theo baonhandao.vn