Lĩnh vực hoạt động

22/05/2018  Lượt xem: 48687

Lĩnh Vực Hoạt Động

1. Hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo

2. Hoạt động chữ thập đỏ về chăm sóc sức khỏe

3. Hoạt động chữ thập đỏ về sơ cấp cứu ban đầu

4. Hoạt động chữ thập đỏ về hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

5. Hoạt động chữ thập đỏ về tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa

6. Hoạt động chữ thập đỏ về tuyên truyền các giá trị nhân đạo

7. Hoạt động chữ thập đỏ về phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ

MỘT SỐ LƯU Ý!

TRUYỀN THÔNG

KHÁI NIỆM CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG 

 - Truyền thông là quá trình truyền tải, chia sẻ thông tin và định hướng chuyển đổi hành vi nhằm thuyết phục một người, một nhóm người hay một cộng đồng nhất định tán thành, ủng hộ, làm theo.

- Truyền thông thực hiện thông qua lời nói, ngôn ngữ, tín hiệu, hình ảnh, cử chỉ, hành vi; là quá trình động, liên tục, hai chiều, mỗi cá nhân có thể vừa là nguồn phát, vừa là nguồn nhận thông tin; Truyền thông nhằm cổ vũ điển hình tiên tiến, phê phán thái độ, hành vi thiếu tích cực...

 NGUYÊN TẮC CỦA CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG 

 - Trong công tác truyền thông, các thông tin cần khách quan, chính xác, tuân thủ các quan điểm của Ðảng và Nhà nước, 7 nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.

- Kết hợp truyền thông với tổ chức các hoạt động trợ giúp thiết thực đối tượng tại cộng đồng để tăng hiệu quả truyền thông; tuyên truyền cho nhiều đối tượng, ở các địa điểm, các mốc thời gian và với quy mô khác nhau; lưu ý chuẩn bị tốt 3 khâu cơ bản trong quá trình truyền thông tin, bao gồm: nội dung tuyên truyền (nguồn phát thông tin. Người phát/truyền thông tin (tín hiệu), bản tin, tài liệu, sách báo, tranh ảnh, đồ vật, sự việc… ), các điều kiện đảm bảo (môi trường truyền tin Bao gồm: không gian, địa điểm, thời tiết, quan hệ giữa bên truyền và nhận tin, tâm lý của đối tượng truyền và nhận thông tin), người nghe và sự tiếp thu, phản hồi (đối tượng nhận tin).

- Nội dung truyền thông phải dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người tham gia; liên tục, sâu rộng, kịp thời (thường xuyên, cao điểm, ngay khi sự việc xảy ra), hiệu quả (nhiều người biết, làm theo), rõ ràng (đi thẳng vào vấn đề, trình bày logic, đơn giản, dễ hiểu), cụ thể, đầy đủ, đúng đắn (phản ánh trung thực, tránh phóng đại, định kiến, cảm tính).

 

HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG 

- Các hình thức truyền thông bao gồm: truyền thông trực tiếp (thuyết trình trực tiếp cho người nghe tại cộng đồng), truyền thông đại chúng (tuyên truyền thông qua truyền hình, đài phát thanh, báo chí) và truyền thông gián tiếp (thông qua các hội nghị, hội thảo, báo cáo, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu...).

- Các phương tiện truyền thông bao gồm: giọng nói (ngữ âm, ngữ điệu), ngôn ngữ không lời (hình thức, cử chỉ, hành vi của người truyền thông); chữ viết (văn bản, báo viết, báo điện tử, tạp chí, bản tin, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi); công cụ truyền lời nói, hình ảnh (đài phát thanh, truyền hình, điện thoại, Internet, các trang Web…);  hình ảnh, ấn phẩm (biểu tượng, tranh ảnh, biển tường, phim, tiểu phẩm); hoạt động (tham quan thực tế, cổ động; triển lãm, bảo tàng, phòng truyền thống); các thiết bị (máy chiếu, thiết bị nghe nhìn…)

 

MỤC ĐÍCH TRUYỀN THÔNG 

  • Nâng cao hình ảnh, vị thế của Hội
  • Tuyên truyền các giá trị nhân đạo. Thay đổi nhận thức hành vi của cộng đồng 
  • Vận động nguồn lực 
  • Huy động lực lượng 
  • Vận động chính sách 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:

  • Tuyên truyền về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; Các nguyên tắc cơ bản của Phong trào, Luật Nhân đạo quốc tế; tôn chỉ mục đích và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 
  • Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; truyền thống nhân ái của dân tộc; tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp nhân đạo; đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nhân đạo, về hoạt động Chữ thập đỏ,
  • Tuyên truyền các lĩnh vực hoạt động của Hội, các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp nhân đạo.

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC

I. Hệ thống tổ chức của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1. Hệ thống tổ chức 4 cấp của Hội gồm:

a) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;

b) Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);

c) Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện);

d) Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp xã).

Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đối với tổ chức Hội được thực hiện theo quy định của pháp luật,

2. Các loại hình tổ chức Hội khác:

a) Hội được thành lập các chi hội trực thuộc, hội đồng hoặc ban bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, các đội ứng phó thảm họa, đội sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, đội khám chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động, các câu lạc bộ và các loại hình hoạt động nhân đạo khác theo quy định của pháp luật.

b) Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cấp Hội có thể thành lập các chi hội theo sở thích, nghề nghiệp. Việc lập các chi hội đặc thù do Ban Chấp hành Hội cơ sở hoặc Ban Thường vụ Hội từ cấp huyện quyết định nếu chi Hội trực thuộc cấp mình. Cấp Hội thành lập, trực tiếp quản lý theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định của pháp luật.

 

II. Cơ quan lãnh đạo và bộ máy chuyên trách của Hội

1. Cơ quan lãnh đạo Hội gồm:

a) Đại hội Hội.

b) Ban Chấp hành Hội.

c) Ban Thường vụ Hội.

2. Bộ máy chuyên trách của Hội gồm:

a) Văn phòng và các ban, đơn vị chuyên môn.

b) Tổ chức, nhân sự bộ máy chuyên trách của Hội do cấp có thẩm quyền quy định để bảo đảm Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội.

c) Hội được thành lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, các cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, có đủ phẩm chất, năng lực về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội. Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Tư vấn do Ban Thường vụ Hội quy định.

d) Các pháp nhân trực thuộc.

III. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần hoặc bất thường. Ban Chấp hành đương nhiệm triệu tập và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự, thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội.

2. Đại hội đại biểu bất thường được Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoặc quá 1/2 (một phần hai) số tỉnh, thành Hội đề nghị.

3. Đại hội được tổ chức dưới hình thức đại hội đại biểu và chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.

4. Nhiệm vụ chính của Đại hội:

a) Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội nhiệm kỳ vừa qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ tới;

b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;

c) Bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội;

d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.

5. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội

a) Đại hội thực hiện biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải được trên 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành.

Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương

1. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội đại biểu; đại hội Hội cấp xã và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội chi hội và tổ chức Hội trong trường học do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.

2. Đại hội bất thường Hội Chữ thập đỏ các cấp được triệu tập khi ít nhất 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Hội cấp đó hoặc quá 1/2 (một phần hai) số tổ chức Hội trực thuộc đề nghị và được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp đồng ý.

3. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.

4. Đại hội Hội các cấp có nhiệm vụ:

a) Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của cấp Hội nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của cấp Hội nhiệm kỳ tới;

b) Bầu Ban Chấp hành Hội;

c) Góp ý cho các văn kiện đại hội Hội cấp trên (nếu có) và bầu đại biểu đi dự đại hội Hội cấp trên;

d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.

5. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội: thực hiện theo khoản 5 Điều 7 Điều lệ này.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực các cấp Hội

1. Ban Chấp hành cấp Hội:

a) Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của cấp Hội giữa hai kỳ đại hội; do đại hội cấp đó bầu ra; điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Hội cấp trên trực tiếp.

b) Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định. Khi khuyết ủy viên Ban Chấp hành thì được bầu bổ sung nhưng không được quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên do Đại hội quyết định và phải được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp công nhận. Ban Chấp hành cùng cấp khi cần thiết được bầu thêm ủy viên Ban Chấp hành nhưng không quá 10% (mười phần trăm) số ủy viên Ban Chấp hành do đại hội cấp đó quyết định.

c) Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành là 05 (năm) năm.

2. Ban Thường vụ cấp Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra. Cơ cấu, số lượng ủy viên Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định, nhưng không quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp.

3. Thường trực Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội:

a) Ở Trung ương Hội: Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, các Phó Chủ tịch là Thường trực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội. Số lượng Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành quyết định thông qua đề án nhân sự nhiệm kỳ.

b) Ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương: Chủ tịch, Phó Chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp.

c) Ở cấp xã và tương đương: Chủ tịch, Phó chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp. Ban Chấp hành chi hội bầu Chi Hội trưởng, Chi Hội phó. Tổ hội bầu Tổ hội trưởng, Tổ hội phó.

IV. Cán bộ Hội, Hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ 

Cán bộ

1. Cán bộ Hội: là những người do đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, phân công, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Hội, được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội.

2. Cán bộ Hội gồm cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách.

a) Cán bộ Hội chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội, được đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của Hội tuyển dụng, bổ nhiệm; được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Nhà nước và của Hội; có nhiệm vụ hoàn thành công việc được giao, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Hội.

b) Cán bộ Hội không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, được đại hội cấp Hội bầu ra nhưng không đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội; được cấp Hội có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cán bộ Hội thuộc quyền quản lý của cấp nào thì do cấp đó quy định.

4. Việc tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định pháp luật và của Hội về công tác cán bộ.

Hội viên

1. Hội viên của Hội gồm: hội viên cá nhân và hội viên tập thể.

a) Hội viên cá nhân: là những người Việt Nam đủ 16 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên cá nhân thì được công nhận là hội viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

b) Hội viên tập thể: là tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên tập thể, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội được công nhận là hội viên tập thể của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

2. Các cấp Hội được mời những người có uy tín, tâm huyết, có điều kiện tham gia công tác nhân đạo làm hội viên danh dự của Hội. Hội viên danh dự không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ

1. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, tuân thủ Điều lệ Hội, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các quy định tại Quy chế tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam; có khả năng và điều kiện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.

2. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ có các danh hiệu: tình nguyện viên cấp một, tình nguyện viên cấp 2, tình nguyện viên cấp 3 và tình nguyện viên hoạt động1. Việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên được căn cứ theo thâm niên hoạt động và những đóng góp của tình nguyện viên đối với hoạt động Hội.

3. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể của cấp Hội nơi tình nguyện viên Chữ thập đỏ sinh sống, công tác. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

4. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của tình nguyện viên Chữ thập đỏ; tôn vinh, khen thưởng và phân cấp quản lý tình nguyện viên.

Thanh niên Chữ thập đỏ

1. Thanh niên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi tích cực tham gia các hoạt động của Hội, có điều kiện, kỹ năng và tự nguyện tham gia hoạt động thanh niên Chữ thập đỏ. Thanh niên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

2. Các cấp Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động nhân đạo nhằm giáo dục lòng nhân ái cho thanh niên và xây dựng Hội vững mạnh.

3. Ban Thường vụ Hội quy định nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của thanh niên Chữ thập đỏ.

Thiếu niên Chữ thập đỏ

1. Thiếu niên Chữ thập đỏ là thiếu niên Việt Nam, từ đủ 9 đến 16 tuổi; tự nguyện và có điều kiện, khả năng tham gia hoạt động Chữ thập đỏ.

2. Tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của thiếu niên Chữ thập đỏ do Ban Thường vụ Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan hướng dẫn cụ thể.

PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC

1. Khái niệm nguồn lực

 Theo nghĩa chung nhất: nguồn lực là tổng thể các giá trị vật chất và phi vật chất để phục vụ cho một mục tiêu phát triển nhất định của một chủ thể cụ thể.

 Đối với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, nguồn lực vật chất và phi vật chất được dùng để chăm lo cho người nghèo, cộng đồng nghèo, người dễ bị tổn thương một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

2. Các loại nguồn lực

- Vật chất (tiền, hàng, vật phẩm, trang thiết bị...);

- Con người (công sức, trí tuệ, kiến thức, kỹ năng...);

- Tinh thần (ủng hộ chủ trương, ý tưởng, "tiếng nói"...);

- Mối quan hệ...

- Cơ chế, chính sách...

- Giá trị vô hình (giá trị biểu tượng, thương hiệu, danh tiếng, uy tín cá nhân, tổ chức...).

3. Khái niệm vận động nguồn lực

Vận động nguồn lực là quá trình vận động tiền, hàng, vật phẩm, thiết bị hoặc các nguồn lực khác từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các cá nhân hoặc nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời là quá trình vận động cơ chế, chính sách nhằm tìm kiếm, khai thác các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo.

Nói gọn lại thì vận động nguồn lực là quá trình vận động sự ủng hộ về vật chất và phi vật chất, giúp Hội thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

4. Tầm quan trọng của nguồn lực vật chất

- Mang lại những vật chất cụ thể để Hội sử dụng trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn (tiền, hàng, trang thiết bị, vật phẩm...);

- Giúp Hội có thêm trang thiết bị, phương tiện cụ thể (máy ảnh, laptop, xe máy, điện thoại, phương tiện vận chuyển, kho hàng, trụ sở làm việc...) để thực hiện các hoạt động trợ giúp các đối tượng khó khăn...

5. Tầm quan trọng của nguồn lực phi vật chất

- Tạo khung pháp lý cần thiết cho hoạt động của Hội;

- Tạo vị thế, hình ảnh, danh tiếng của Hội trong xã hội;

- Tạo thuận lợi cho hoạt động của Hội, trong đó có hoạt động vận động nguồn lực;

- Tạo thêm lực lượng cùng Hội tiến hành các hoạt động nhân đạo (Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" là ví dụ điển hình).

6. Tầm quan trọng của hoạt động vận động nguồn lực

- Vận động nguồn lực là một trong 3 yếu tố cơ bản nhất, có tính quyết định xây dựng tổ chức Hội vững mạnh (công tác tổ chức, công tác vận động nguồn lực, công tác thông tin, tuyên truyền);

- Kết quả vận động nguồn lực là thước đo: i) Năng lực vận động nhân đạo của cán bộ Hội; ii) Hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội; iii) Ảnh hưởng, uy tín của tổ chức Hội tại cộng đồng, trong xã hội.

II. NHIỆM VỤ CHÍNH TRONG VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC

1. Xây dựng hình ảnh và uy tín của tổ chức

- Hình ảnh và uy tín của tổ chức tác động trực tiếp đến lòng tin của nhà tài trợ và ảnh hưởng đến việc có quyết định tài trợ hay không? nhiệm vụ này đòi hỏi một quá trình lâu dài.

- Các công việc cụ thể cần phải làm là: i) Xây dựng các thông điệp ngắn gọn và cụ thể về sứ mệnh, tầm nhìn, năng lực cốt lõi và nhóm đối tượng mục tiêu của tổ chức; ii) Lựa chọn các kênh phù hợp để truyền thông điệp tới các nhóm mục tiêu; iii) Thể hiện các giá trị mà tổ chức đề cao phù hợp với những thông điệp; iv) Đảm bảo công khai và minh bạch trong quản lý; v) Đảm bảo mọi cán bộ luôn tự hào về công việc của Hội.

2. Xác định mục đích vận động nguồn lực hay nhu cầu của nhóm đối tượng mà hoạt động hướng tới:

- Đối tượng đích của vận động nguồn lực là ai?

- Họ đang gặp phải vấn đề hay khó khăn gì?

- Ai, điều gì có thể giải quyết vấn đề/khó khăn đó?

- Cần những nguồn lực gì để trợ giúp họ?

3. Phân tích các nguồn lực sẵn có trong tổ chức và tại cộng đồng. Các câu hỏi cần trả lời:

- Hiện giờ tổ chức Hội đã có những nguồn lực nào có thể sử dụng để trợ giúp đối tượng?

- Tổ chức Hội dự kiến thực hiện sự trợ giúp gì?

- Tổ chức Hội cần thêm những nguồn lực gì để thực hiện sự trợ giúp đối tượng nêu trên?

- Xác định nguồn lực đang có tại cộng đồng (tiền, dịch vụ, hàng hóa, trang thiết bị, con người, uy tín…).

4. Xây dựng kế hoạch trợ giúp đối tượng: trong hoạt động này, cần xác định rõ làm gì? làm như thế nào? ai làm? bao giờ làm? cần điều kiện gì? chú ý:

- Những tác động nào hay thay đổi gì sẽ giúp đối tượng giải quyết được vấn đề của họ?

- Cần thực hiện những can thiệp gì/sự trợ giúp nào để tạo ra các thay đổi đó?

Việc xác định đúng nhu cầu (mục đích vận động nguồn lực) và cách thức đáp ứng nhu cầu (Kế hoạch trợ giúp đối tượng) cho nhóm đối tượng sẽ là cơ sở cho vận động nguồn lực và thuyết phục các nhà tài trợ.

5. Xây dựng ý tưởng vận động nguồn lực và xác định nhà tài trợ tiềm năng

- Xác định nhà tài trợ tiềm năng trong và ngoài địa phương; tiếp cận và xây dựng quan hệ đối tác vì mục tiêu chung (trợ giúp đối tượng hay cộng đồng cụ thể).

- Định hướng cách thức thuyết phục nhà tài trợ tiềm năng; chuẩn bị hồ sơ vận động nguồn lực thể hiện tính chuyên nghiệp, chu đáo.

- Xác định cách tiếp cận phù hợp (cách nêu mục đích, cách sử dụng ngôn từ, cách thể hiện); tìm hiểu mối quan tâm của nhà tài trợ để có cách tiếp cận thích hợp.

6. Thực hiện kế hoạch vận động nguồn lực

- Tổ chức sự kiện/hoạt động vận động nguồn lực;

- Trong quá trình vận động nguồn lực, có thể lấy kết quả, hình ảnh trợ giúp cụ thể đối tượng ở giai đoạn trước (nếu có) để truyền thông, làm nền cho vận động nguồn lực ở giai đoạn sau; 

- Đặc biệt tôn trọng mối quan tâm và quyền lợi truyền thông của "nhà tài trợ"; tuân thủ các nguyên tắc, giá trị của tổ chức Hội, không vì nguồn lực mà đánh mất mình.

7. Thực hiện kế hoạch sử dụng nguồn lực

- Phân bổ nguồn lực vận động được cho các hoạt động và đối tượng được thiết kế trong kế hoạch vận động.

- Thực hiện việc trợ giúp đối tượng và các hoạt động liên quan từ nguồn lực vận động được, chú ý mời nhà tài trợ “chứng kiến” cách thức và hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực do họ tài trợ.

- Tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động trợ giúp đối tượng, lưu giữ hình ảnh trợ giúp phục vụ cho hoạt động vận động nguồn lực lần sau.

8. Giám sát việc sử dụng nguồn lực

- Giám sát giúp làm cho việc sử dụng các nguồn lực vận động được đạt hiệu quả tốt hơn, phát hiện những sai sót để có biện pháp khắc phục.

- Thảo luận với nhà tài trợ về những thay đổi cần thiết trong việc sử dụng nguồn lực (nếu có) và giúp nhà tài trợ “chứng kiến” cách thức và hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực do họ tài trợ.

- Nội dung giám sát: danh sách đối tượng hưởng lợi; định mức trợ giúp (chú ý xem kỹ quy trình lựa chọn đối tượng; căn cứ quyết định mức hỗ trợ); cách thức hỗ trợ...

9. Duy trì mối quan hệ với nhà tài trợ

- Tôn vinh, trân trọng sự hợp tác của nhà tài trợ; thực hiện tốt chăm sóc nhà tài trợ;

- Đảm bảo công khai, minh bạch nguồn lực thu được và việc sử dụng nguồn lực; luôn thông tin cho nhà tài trợ biết về kết quả sử dụng sự tài trợ của họ và tuân thủ các thỏa thuận trong quá trình thực hiện;

- Xây dựng hình ảnh của nhà tài trợ trong các hoạt động nhân đạo của Hội;

- Cần duy trì mối quan hệ với nhà tài trợ kể cả khi họ không còn tham gia tài trợ nữa.

IV. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC

1. Phát triển quan hệ đối tác thông qua các Thỏa thuận hợp tác, Nghị quyết liên tịch, Chương trình phối hợp...

a) Mục tiêu: góp phần vận động chính sách, nguồn lực cụ thể, nâng cao vị thế của tổ chức Hội và hiệu quả trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

b) Nội dung hợp tác: i) Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; ii) Phối hợp tổ chức các hoạt động nhân đạo cụ thể từ nguồn lực của đối tác; iii) Giám sát việc sử dụng nguồn lực; iv) Tôn vinh, khen thưởng lẫn nhau...

c) Các bước thực hiện:

Bước 1. Gặp gỡ tổ chức/cơ quan/doanh nghiệp để trao đổi những vấn đề 2 bên cùng quan tâm trong lĩnh vực nhân đạo; đề xuất ký kết chương trình phối hợp, nội dung, cách thức phối hợp, kế hoạch ký kết...

Bước 2. Ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp với những hoạt động cụ thể, tổ chức truyền thông...

Bước 3. Đánh giá định kỳ chương trình phối hợp, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân thuộc mỗi bên có thành tích xuất sắc...

* Lưu ý: quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; phân công người/đầu mối giúp việc thực hiện; thường xuyên phối hợp kiểm tra, tổ chức hoạt động.

d) Ưu điểm, khó khăn khi ký kết phối hợp

- Ưu điểm: vận động được nguồn kinh phí trực tiếp cho hoạt động nhân đạo cụ thể (như: "Ngân hàng bò", Phong trào "Tết vì người nghèo..."); truyền thông nâng cao vị thế của Hội, tạo thuận lợi cho vận động nguồn lực; vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội; tạo ảnh hưởng, vị thế của Hội trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...

- Khó khăn: không có cơ chế giàng buộc; nội dung phối hợp thường trùng khớp với nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó nên khó kiểm soát việc thực hiện hay không thực hiện chương trình phối hợp, gây áp lực cho cấp dưới...

2. Phát triển hội đồng/ban bảo trợ hoạt động chữ thập đỏ ở các cấp

a) Khái niệm: Hội đồng/Ban bảo trợ hoạt động chữ thập đỏ là hình thức tập hợp đại diện các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người nổi tiếng có uy tín, những nhà hoạch định chính sách trong hoạt động nhân đạo.

b) Mục tiêu: vận động nguồn lực, nâng cao hình ảnh, vị thế của Hội, tham khảo ý kiến của thành viên hội đồng/ban bảo trợ đối với nội dung hoạt động Hội, gắn kết hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm với các nhiệm vụ cụ thể của Hội...

c) Các bước thành lập Hội đồng/Ban bảo trợ gồm:

Bước 1. Xây dựng ý tưởng, kế hoạch, xin ý kiến về chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp;

Bước 2. Vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những người có uy tín tại địa phương tham gia; lập danh sách các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (thành viên tập thể), các nhà hảo tâm, người nổi tiếng đã đăng ký;

Bước 3. Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng/Ban bảo trợ, trong đó xác định quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng/Ban bảo trợ; cơ chế hoạt động, kinh phí hoạt động, chế độ tôn vinh, khen thưởng;

Bước 4. Ra mắt Hội đồng/Ban bảo trợ kết hợp vận động nguồn lực;

Bước 5. Hoạt động, đánh giá định kỳ hiệu quả hoạt động của Hội đồng/Ban bảo trợ; tôn vinh, khen thưởng...

3. Vận động dựa vào số đông thông qua đóng góp nội tại từ Hội

a) Khái niệm: là vận động trực tiếp cán bộ, hội viên (tập thể, cá nhân), tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ đóng góp tiền, hàng, ngày công cho mục tiêu nhân đạo cụ thể của Hội (như xây dựng công trình nhân đạo, làm nhà, làm cầu, giao thông nông thôn...).

b) Áp dụng: Phương thức này thường được sử dụng trong vận động xây dựng công trình nhân đạo cấp địa phương và toàn quốc nhân các dịp lễ lớn của toàn Hội (Hiện nay toàn Hội có hơn 4,5 triệu hội viên, hơn 360 ngàn tình nguyện viên, hơn 3,5 triệu thanh thiếu niên chữ thập đỏ. Nếu mỗi người đóng góp 10 ngàn đồng thì số tiền thu được sẽ rất đáng kể).

- Ưu điểm: có thể thu được số tiền lớn trong thời gian ngắn; không đòi hỏi kỹ năng vận động đặc thù; chi phí truyền thông tầm vĩ mô thấp...

- Hạn chế: rất vất vả cho cán bộ Hội cấp cơ sở. Do không nắm chắc được số lượng hội viên thực tế, do hội viên khó khăn nên khả năng vận động, thu được tiền ủng hộ rất khó khăn. Một số nơi, nếu cấp ủy Đảng, chính quyền không ủng hộ thì Hội cũng không vận động sự đóng góp của hội viên được.

* Một số thành công: Công trình "Trung tâm Điều dưỡng và Sơ cấp cứu chữ thập đỏ" tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, Công trình 70 ngôi nhà, 70 con bò, 70 bồn nước tại Hà Giang được thực hiện qua phương thức này.

4. Vận động đóng góp tiền, vật chất, công sức:

a) Một số hình thức thường sử dụng:

- Vận động đóng góp ngày công xây nhà chữ thập đỏ, làm đường, làm cầu, phục vụ tại trung tâm nhân đạo...

- Vận động đóng góp lúa, gạo (mô hình "Hũ gạo tình thương", Giạ lúa chữ thập đỏ...).

- Thùng nhân đạo/chữ thập đỏ đặt ở các khu vực công cộng (nhà ga, sân bay, bến ô-tô, trung tâm thương mại...).

- Lợn nhựa tiết kiệm (dành cho cá nhân, gia đình, lớp học, chi hội...).

b) Ưu điểm: dễ thực hiện, được triển khai trên diện rộng, không đòi hỏi kỹ năng, phương pháp quản lý...

c) Hạn chế: hiệu quả có khi không cao, thiếu bền vững.

d) Áp dụng: Cách này thường được sử dụng ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, đáp ứng trực tiếp nhu cầu hoạt động nhân đạo của chi hội, Hội cơ sở, Hội trong trường học, phòng khám chữa bệnh chữ thập đỏ, xe cứu thương chữ thập đỏ, trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ...

5. Phối hợp vận động nhắn tin

a) Khái niệm: Là quá trình vận động các tầng lớp nhân dân nhắn tin ủng hộ một đối tượng hay nhóm đối tượng cụ thể theo các bước chính sau đây:

Bước 1. Xác định đối tượng, nhóm đối tượng cần ủng hộ và nhu cầu của họ;

Bước 2. Xây dựng thông điệp và kế hoạch truyền thông;

Bước 3. Tổ chức phát động chiến dịch nhắn tin;

Bước 4. Giám sát chiến dịch nhắn tin;

Bước 5. Triển khai nguồn lực từ chiến dịch nhắn tin; tổng kết, công khai kết quả thu được và việc sử dụng.

b) Ưu điểm: trong thời gian ngắn có thể vận động được số tiền lớn; không đòi hỏi cao về kỹ năng vận động...

c) Hạn chế: phụ thuộc vào đối tác (Cổng 1400), hiệu quả có khi không cao, thiếu bền vững, nhàm chán...

d) Áp dụng: Phương thức này thường áp dụng khi xảy ra những sự kiện nghiêm trọng, như: thiên tai, thảm họa, các sự kiện chính trị trong nước...

e) Kết quả: từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội phối hợp tổ chức 48 chương trình nhắn tin, thu được gần 90 tỷ đồng (nhắn tin bão số 10 năm 2011 đạt trên 20 tỷ, Kết nối biển đông đạt gần 20 tỷ, Trái tim cho em đạt trung bình 3-5 tỷ/năm, Tết vì người nghèo...).

6. Vận động dựa vào số lượng sản phẩm tiêu dùng

a) Khái niệm: Là hoạt động vận động, liên kết với doanh nghiệp trong việc trích một tỷ lệ nhất định giá trị của mỗi sản phẩm sau khi bán được cho hoạt động nhân đạo, trợ giúp đối tượng cụ thể.

b) Ưu điểm: có thể vận động được số tiền lớn nếu số sản phẩm bán được nhiều.

c) Khó khăn: có thể đội chi phí trên một sản phẩm; việc khấu trừ thuế khó khăn; có thể vi phạm việc sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ; nguồn thu không ổn định...

d) Một số điểm lưu ý khi áp dụng phương thức này:

- Khi làm việc với doanh nghiệp: cần nêu rõ mục đích, đối tượng, cách thức trợ giúp, quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia chương trình; chuẩn bị thông điệp ấn tượng, gần gũi; thống nhất cách thức kiểm tra, giám sát và dự kiến kết quả; cần thể hiện cam kết của mỗi bên trong một hợp đồng cụ thể.

- Một số ví dụ: "Mua một hộp sữa, Bạn đã ủng hộ 100 đồng cho trẻ em nghèo!", "Uống một chai nước, Bạn đã góp 200 đồng ủng hộ người khuyết tật nghèo!"...

7. Tổ chức sự kiện gây quỹ:

- Khái niệm: là hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực thông qua tổ chức sự kiện văn hóa, văn nghệ kết hợp nội dung vận động gây quỹ, quảng bá hình ảnh, hoạt động của tổ chức Hội.

- Ưu điểm: có thể vận động được số tiền lớn trong một thời gian ngắn, đồng thời đạt mục tiêu về truyền thông, quảng bá hình ảnh của tổ chức Hội...

- Hạn chế: đòi hỏi rất cao về tính chuyên nghiệp; đòi hỏi quá trình chuẩn bị công phu; quá trình vận động có tính tổng hợp cao; nhiều sự kiện đạt hiệu quả thấp, có sự nhàm chán do có quá nhiều sự kiện tương tự...

 * Một số lưu ý, kinh nghiệm tổ chức sự kiện:

- Xác định rõ ràng đối tượng mà sự kiện sẽ hỗ trợ. Chỉ gây quỹ cho một đối tượng hoặc sự việc cụ thể, không tổ chức sự kiện gây quỹ chung chung.

- Lựa chọn hình thức tổ chức sự kiện gây quỹ hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhiều người; lựa chọn thời điểm tổ chức sự kiện đủ xa để có thời gian chuẩn bị, địa điểm tổ chức sự kiện hợp lý, thuận tiện.

- Xây dựng ngân sách chi phí tổ chức sự kiện một cách hợp lý. Nếu thấy không có khả năng "lãi" thì hủy bỏ.

- Cần mời được một hoặc một số vị khách nổi tiếng, người có uy tín, người đẹp, đại sứ thiện chí...

- Tìm kiếm sự hợp tác với một số tổ chức có quy mô quốc gia hay địa phương để tài trợ/tổ chức sự kiện.

- Vận động tài trợ bằng tiền, hiện vật từ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trước khi sự kiện được tổ chức và công bố kết quả tại sự kiện.

- Chú trọng quảng bá sự kiện bằng các kênh truyền thông khác nhau, có sự tham gia của báo chí.

- Nên tìm kiếm đối tác chuyên nghiệp giúp toàn bộ việc lập kế hoạch và tổ chức sự kiện.

8. Xây dựng đề án/dự án nhân đạo:

- Khái niệm: là hoạt động vận động nguồn lực thông qua xây dựng dự án, đề án nhân đạo cụ thể trình cấp có thẩm quyền hoặc tổ chức, đối tác tài trợ phê duyệt.

- Ưu điểm: nguồn lực vận động được phục vụ trực tiếp các hoạt động dành cho đối tượng, nhóm đối tượng hoặc cộng đồng cụ thể, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng/cộng đồng này (dự án nước sạch, trồng rừng, đề án sơ cấp cứu, dự án quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, dự án cứu trợ...).

- Hạn chế: tính chất của dự án, đề án đòi hỏi cao về kỹ thuật, chuyên sâu, chuyên biệt, khó thực hiện, diện tác động hẹp, nhiều dự án thiếu tính bền vững, dễ xuất hiện tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào dự án, đề án, khó có đối ứng.

 9. Viết thư ngỏ

- Khái niệm: là hình thức vận động nguồn lực thông qua viết thư giới thiệu về hoạt động của Hội trợ giúp đối tượng và vận động sự ủng hộ/tham gia của cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm...

- Ưu điểm: vừa truyền thông được các hoạt động của Hội, vừa có thể vận động nguồn lực trợ giúp đối tượng.

- Khó khăn: việc viết thư đòi hỏi cao về tính thuyết phục, mất nhiều thời gian, công sức, không thấy trước hoặc không dự báo được kết quả, nguồn lực thu được thường ở mức thấp hơn so với nhu cầu...

- Hình thức thường gặp: viết thư kêu gọi ủng hộ những đối tượng cụ thể (người mắc bệnh hiềm nghèo, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nghèo...). Hiện nay, bên cạnh viết thư truyền thống, nhiều người viết thư kêu gọi và sử dụng mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ, nhất là những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.

- Nội dung thư nên chú ý: i) Nêu rõ mục đích bức thư; ii) Giới thiệu về tổ chức Hội; iii) Mô tả hoạt động hay chương trình cần vận động tài trợ; iv) Mô tả lợi ích của người nhận thư khi tham gia tài trợ; v) Đề xuất các hoạt động người nhận thư thực hiện; vi) Cung cấp các thông tin liên hệ và thông tin tham khảo...

10. Cửa hàng "Chữ thập đỏ": khởi đầu tại Trung ương Hội và tỉnh Phú Thọ (Bà con nghèo, cận nghèo nhận hàng từ thiện miễn phí toàn bộ hoặc ủng hộ tuỳ tâm vào “Thùng quỹ nhân đạo” đặt tại gian hàng; bà con không thuộc diện hộ nghèo mà có nhu cầu lấy hàng, sẽ tự nguyện ủng hộ tối thiểu 5.000 - 10.000đ/chiếc quần, áo hoặc các đồ dùng khác; 30.000đ/bộ sách giáo khoa cũ)...

11. Tổ chức hội nghị đối tác: xác định chủ đề, nội dung hội nghị; mời các đối tác của Hội tham dự, vừa ủng hộ kinh phí theo chủ đề, vừa đóng góp ý kiến xây dựng Hội.

  CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:

  • Tạo ra ngày càng nhiều nguồn lực ở các cấp Hội để chủ động ứng phó với những thách thức và tình huống trong các hoạt động nhân đạo.
  • Thông qua phát triển nguồn lực để nâng cao năng lực vận động nhân đạo của đội ngũ cán bộ, chất lượng các hoạt động của Hội, góp phần khẳng định vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động nhân đạo.