Hai lĩnh vực hoạt động có thể “đột phá” đi lên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản

22/05/2018  Lượt xem: 30244
Tháng 9/2012, tôi được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cử đi học tập, nghiên cứu 3 tuần lễ về “Chương trình dịch vụ máu” của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido. Trên cơ sở thành công cũng như kinh nghiệm của Hội bạn và đối chiếu với điều kiện, khả năng của Hội ta, tôi xin đề xuất một số giải pháp “đột phá” có thể giúp Hội ta phát triển trong điều kiện vừa có thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức hiện nay.
 
Trung tâm máu khu vực tỉnh Hokkaido
                                                                                           Trung tâm máu khu vực tỉnh Hokkaido
 
1. Sơ lược về Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản 
 
 Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản (xin viết tắt là Hội) có bề dày lịch sử (thành lập năm 1877), phát triển bền vững và có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, đào tạo điều dưỡng viên; dịch vụ máu; ứng phó thảm họa và an sinh xã hội, đặc biệt thành công nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh trên toàn nước Nhật.
Hệ thống tổ chức của Hội gồm: Trung ương Hội; 47 tỉnh Hội (Prefectural Chapters) và các chi nhánh thành phố trực thuộc tỉnh (Municipal level Branches); các hoạt động được triển khai đến cộng đồng, không có hội cấp huyện và cấp xã; hoạt động tuân theo “Luật Chữ thập đỏ Nhật Bản” (ban hành năm 1952). Đến tháng 4/2012, toàn Hội có 60.652 cán bộ, nhân viên, trong đó: Trung ương Hội 500 người; 47 tỉnh Hội 717 người (bình quân 15 người/tỉnh Hội); 98 bệnh viện và phòng khám 51.966 người (chiếm 86%); 211 cơ sở dịch vụ máu 5.943 người; 28 cơ sở an sinh xã hội 926 người; 30 trường đào tạo điều dưỡng viên 600 người. Hội quản lý trên 10 triệu hội viên cá nhân (đóng góp hội phí); 144.000 hội viên doanh nghiệp (hỗ trợ kinh phí); hơn 2,2 triệu tình nguyện viên hỗ trợ các hoạt động của Hội (tình nguyện viên tại cộng đồng 2,2 triệu; tình nguyện viên có chuyên môn 38.000; tình nguyện viên trẻ 6.500).
Cơ quan Trung ương Hội quản lý 4 lĩnh vực do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch phụ trách, gồm 10 ban, đơn vị: (i) Lĩnh vực lập kế hoạch và quan hệ công chúng; (ii)Lĩnh vực hành chính (Văn phòng; Ban phát triển nguồn nhân lực; Ban phát triển tổ chức; Ban giám sát); (iii) Lĩnh vực hoạt động chuyên môn (Ban Quản lý thảm họa và an sinh xã hội; Ban dịch vụ y tế; Ban đào tạo điều dưỡng viên; Ban quốc tế); (iv) Lĩnh vực về các dịch vụ máu.
Hội hạch toán độc lập, không có hỗ trợ từ Chính phủ. Theo báo cáo tài khóa năm 2010: tổng các nguồn thu của Hội đạt 1.142 tỷ yên (14,3 tỷ USD), trong đó: thu từ các dịch vụ y tế chiếm 80,4% (hơn 917 tỷ yên); dịch vụ máu 14,5% (166 tỷ yên); hội phí 3,7% (42,7 tỷ yên); dịch vụ an sinh xã hội: 1,4% (15,5 tỷ yên). Cán bộ, nhân viên toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản có thu nhập ổn định, yên tâm công tác như cán bộ, công chức khác của Nhà nước (tôi có hỏi một số đồng nghiệp của Hội bạn và được biết: sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc cho Hội thì sau 10 năm đã mua được 1 căn hộ chung cư).
 
2. Thế mạnh của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản về chăm sóc sức khỏe & dịch vụ máu

a) Về hệ thống chăm sóc sức khỏe gồm: Bệnh viện chữ thập đỏ (có bảo hiểm y tế), Phòng khám bệnh và Trường đào tạo điều dưỡng viên. Bệnh viện hoạt động theo nguyên tắc: tự vay vốn đầu tư, tự hạch toán và cạnh tranh với các bệnh viện khác. Hiện có 92 bệnh viện và 6 phòng khám ở 47 tỉnh, thành phố, trong đó có 01 bệnh viện do Trung ương Hội quản lý; gần 1/3 bệnh viện có đào tạo điều dưỡng viên (30 trường thì có 6 cơ sở đào tạo đại học; 80% học viên tốt nghiệp nhận công tác tại các bệnh viện chữ thập đỏ).
b) Về hệ thống dịch vụ máu:Trước đây, Nhật Bản cũng truyền máu chủ yếu từ nguồn người bán máu. Năm 1964, Chính phủ có Quyết định về tăng cường vận động hiến máu tình nguyện và cho phép Hội thành lập hệ thống tiếp nhận máu cùng với các cơ sở khác của Nhà nước; chính quyền Trung ương và địa phương chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân. Từ năm 1983, Hội được giao đảm nhiệm toàn bộ các dịch vụ về máu, gồm: tiếp nhận máu và các thành phần máu; xét nghiệm sàng lọc; sản xuất, bảo quản; phân phối; quản lý chất lượng dịch vụ máu (tương tự các Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc và Thái Lan).Các trung tâm máu chữ thập đỏ được vận hành liên hoàn với các bệnh viện.Từ năm 1974, cả nước đạt 100% hiến máu tình nguyện và đến nay có hơn 4% dân số (trong 127 triệu dân) tham gia hiến máu hàng năm, đáp ứng hoàn toàn cho cấp cứu và điều trị.Năm 2003: “Luật về đảm bảo cung cấp ổn định các sản phẩm máu an toàn” bắt đầu có hiệu lực. Năm 2004, Ban Dịch vụ máu của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản được tổ chức lại cùng với Trung tâm máu trung ương trở thành Cơ quan Trung ương về dịch vụ máu.
Hiện nay, hệ thống dịch vụ máu toàn quốc gồm: Cơ quan chỉ đạo tại Trung ương Hội (Blood Service Headquarters);07 trung tâm máu vùng (Block Blood Centers); 04 trung tâm kiểm định và xét nghiệm khuyếch đại nucleic (Center for NAT and Quarantine) để phát hiện các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường máu như virus viêm gan B, C và HIV;47 trung tâm máu cấp tỉnh (Blood Centers); 124 phòng hiến máu (Blood Donation Rooms) và 291 điểm hiến máu lưu động (Bloodmobiles). Hội còn đạt thành tích cao về kỹ thuật chuyên sâu như: ghép tủy xương (bone marrow transplantation), lưu giữ tế bào máu cuống rốn (cord blood bank), ghép tế bào gốc (stem cell) để điều trị các bệnh hiểm nghèo.Ngoài ra, Hội còn giúp các Hội quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình dương phát triển lĩnh vực hiến máu như: đào tạo cán bộ; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho chương trình máu (Thái Lan, Lào,…).

 
Tóm lại, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tập trung một số lĩnh vực hoạt động, không dàn trải; cơ cấu tổ chức-cán bộ hợp lý; chú trọng phát triển các cơ sở dịch vụ y tế (bệnh viện, thu từ nguồn bảo hiểm y tế)và các cơ sở dịch vụ máu (trung tâm máu khu vực; trung tâm máu tỉnh/vùng; các phòng hiến máu và các điểm hiến máu lưu động). Để đóng góp kinh phí hoạt động hành chính cho Hội, ngoài hội viên là cá nhân, còn có các hội viên doanh nghiệp. Bạn chú ý phát triển đông đảo lực lượng tình nguyện viên tại cộng đồng. Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chủ yếu từ các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe (hơn 80%), dịch vụ máu (gần 15%) rồi mới đến dịch vụ an sinh xã hội (hơn 1%).
 
3. Đề xuất 2 lĩnh vực “đột phá” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Luật Hoạt động chữ thập đỏ (tháng 6/2008) và Nghị định số 03/2011/NĐ-CP (tháng 01/2011) của Chính phủ là cơ sở pháp lý cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện 7 nhiệm vụ, trong đó khẳng định: (i) “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ…do Hội Chữ thập đỏ Việt thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; … đối tượng bảo hiểm y tế và … có thu phí cho các đối tượng khác khi có yêu cầu…” và (ii) “Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ … do Hội Chữ thập đỏ Việt thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập nhằm cung cấp máu, chế phẩm máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh”, bao gồm: “Tuyên truyền, vận động ….; Tổ chức hiến máu tình nguyện; Tiếp nhận máu và tham gia cung cấp chế phẩm máu; Phối hợp với cơ quan y tế trong việc xét nghiệm, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật máu và sản phẩm máu”.
Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và trên cơ sở kết quả làm việc tháng 10 năm 2012 vừa qua giữa đồng chí Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với lãnh đạo cao cấp của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản; để thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng có tính “đột phá” nêu trên, Hội Chữ thập đỏ Việt cần triển khai một số giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng và đề xuất với các Hội Chữ thập đỏ quốc gia mạnh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraylia) hỗ trợ trang thiết bị, kỹ thuật và tài chính cho “Dự án phối hợp hoạt động bệnh viện và cơ sở hiến máu chữ thập đỏ tại cấp trung ương và một số tỉnh thành Hội có tiềm năng” (như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc,..). Trong đó, tại Trung ương Hội: nâng cấp Phòng khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ Đông Anh thành bệnh viện chữ thập đỏ để phối hợp hoạt động với Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ Việt Nam. Thành lập bệnh viện chữ thập đỏ tại Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh để kết hợp với cơ sở hiến máu hiện có của Hội.
Chú ý: giai đoạn đầu, Trung tâm hiến máu chữ thập đỏ (hoặc Phòng hiến máu chữ thập đỏ) chỉ nên tuyên truyền vận động; tiếp nhận máu và chuyển giao toàn bộ đơn vị máu đã tiếp nhận được cho cơ sở Huyết học-Truyền máu của ngành Y tế để các cơ sở này tiếp tục làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu (Chữ thập đỏ thực hiện theo phương thức “tiếp nhận và chuyển giao” nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối như cách làm hiện nay của Trung tâm Hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh).
Hai là, chọn và gửi đào tạo trong nước đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng viên; tuyển chọn trong số đó một số học viên khá giỏi và cử một số bác sĩ gửi đào tạo tiếp tại các bệnh viện và trung tâm máu của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.
Ba là, mời các chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật tại các bệnh viện và trung tâm hiến máu chữ thập đỏ Việt Nam trong khuôn khổ dự án.
Đầu năm 2013, Bộ Y tế sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn về cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; cơ sở khám, chữa bệnh chữ thập đỏ và huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ. Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng sẽ ban hành 15 quy chế liên quan đến các hoạt động cơ bản của Hội. Đây sẽ là điều kiện và cũng là thời cơ mới cho sự “đột phá” đi lên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong quá trình phát triển./.