Tập huấn kiến thức Sơ cấp cứu tại cộng đồng
Tai nạn thương tích đang là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng với tỉ lệ thương tích và tử vong cao.
Thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong 2 năm (2022-2023), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 120 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho gần 4.000 cán bộ, hội viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc chủ động phòng tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, góp phần hạn chế tỉ lệ tử vong, thương tật và tàn phế cho người bị nạn.
Khi được hỏi về cảm nhận khi tham gia lớp tập huấn về sơ cấp cứu, Bà Trần Thị Thắm thường trú tại xã Phan Sào Nam huyện Phù Cừ cho biết: Tôi thấy nội dung của lớp tập huấn về sơ cấp cứu khác hẳn với các nội dung khác, ngoài việc được trang bị kiến thức, chúng tôi còn được giảng viên hướng dẫn thực hành các kỹ thuật sơ cấp cứu trên mô hình. Những kiến thức này rất quan trọng và hữu ích đối với mỗi gia đình chúng ta. Tôi mong muốn Hội Chữ thập đỏ duy trì hoạt động này thường xuyên, hàng năm để có nhiều người dân như chúng tôi biết được các kỹ thuật sơ cấp cứu, kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp không may xảy ra tại gia đình và cộng đồng.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, năm 2023 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên triển khai Kế hoạch tổ chức 60 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và truyền thông về dinh dưỡng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện gần 800 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tư - Bí thư Đảng ủy xã Đức Hợp cho biết: Năm 2024 là năm thứ 2 xã Đức Hợp được Hội Chữ thập đỏ các cấp quan tâm, tổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân dân tại địa phương và chúng tôi nhận được những phản hồi rất tích cực của người dân khi được tham gia tập huấn. Đây là một nội dung mới, rất cần thiết. Lớp tập huấn không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân dân mà còn góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích nói chung, tai nạn giao thông nói riêng và tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp. Qua đó khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng tham gia học sơ cấp cứu để có khả năng tự cứu bản thân hoặc hỗ trợ người xung quanh, góp phần hạn chế những thương tích nghiêm trọng trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.