Sắc đỏ bừng lên giữa đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trạng thái xã hội, tâm lý xã hội, tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm con người. Nhưng cũng chính “thảm họa dịch bệnh” ấy là phép thử về tinh thần đoàn kết, là ý chí kiên cường, là sự quyết tâm của Đảng và nhà nước cùng hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng không đứng ngoài "cuộc chiến" ấy. Từ khi dịch bệnh bùng phát, màu áo Chữ thập đỏ đã có mặt ở khắp nơi để thực hiện sứ mệnh nhân đạo của mình.
Tháng Nhân đạo năm 2020, năm thứ 3 Hội CTĐ Việt Nam được Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý cho triển khai. Lấy tháng 5 là tháng cao điểm, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của dịch dã, đối tượng trợ giúp “đặc biệt”, cách tiếp cận và trợ giúp cũng hết sức “đặc biệt” phải đảm bảo mục tiêu trong dịch bệnh không ai bị bỏ lại phía sau nhưng đồng thời cũng phải chống dịch an toàn, khẩn trương, hiệu quả.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm quan các gian hàng tại phiên Chợ Nhân đạo tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam
Trong khó khăn, hiểm nguy thử thách sự sáng tạo, cách làm hay của những cán bộ, tình nguyện viên CTĐ, cùng với sự quan tâm cổ vũ của cấp ủy, chính quyền và người dân, gần 1,3 triệu người được trợ giúp với trị giá trên 434,4 tỷ đồng, vận động hơn 104.000 đơn vị máu để cứu chữa người bệnh. Đặc biệt hơn 350 phiên Chợ Nhân đạo – phiên chợ của tình người ngập tràn những nụ cười hạnh phúc và sắc đỏ, màu áo của những người làm công tác nhân đạo.
Tại miền biên viễn xa xôi, địa đầu tổ quốc, sắc áo đỏ nơi Chợ Nhân đạo vùng cao của huyện Xín Mần, Mèo Vạc, Đồng Văn tỉnh Hà Giang đỏ rực một vùng trời. Mỗi phiên chợ có từ 200-300 người nghèo và người bị ảnh hưởng của dịch Covid -19 được nhận phiếu mua hàng miễn phí, mua bán được đổi trao bằng nụ cười xôn xao lời chào hỏi, ân cần đón tiếp sẻ chia.
Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Thu thăm hỏi người dân tại Chợ Nhân đạo tại Hà Nội. Ảnh: Đức Long
Những người chiến sỹ áo đỏ với tình yêu người, yêu việc, bằng cả trái tim yêu thương và lòng nhiệt huyết đã mang đến Chợ Nhân đạo đủ thứ hàng thiết yếu mà người dân đang trông chờ trong thời điểm giãn cách xã hội. Hàng khô, gạo, mỳ, mắm muối... được đóng bao gọn gẽ. Rau củ quả được thu mua từ người dân đang gặp khó khăn vì không thể tiêu thụ được gói gém trong những giỏ tre nứa có sẵn của địa phương.
Hay chính tại Thủ đô, trái tim thân yêu của Tổ quốc, những người buôn thúng bán mẹt, những em học sinh, sinh viên mắc kẹt trong đại dịch đã nhanh chóng tiếp cận được những phiên Chợ Nhân đạo do Hội CTĐ TP.Hà Nội tổ chức. Rau củ quả, trứng gà, trứng vịt từ Long Biên, Gia Lâm, Phú Xuyên, Ứng Hòa được “giải cứu” giúp người nông dân nuôi trồng, được thu mua mang về các gian hàng trong chợ. Cùng với Chợ Nhân đạo, hàng nghìn suất cơm miễn phí đã trao tận tay những người lao động bị mất việc làm không có thu nhập.
Chợ Nhân đạo được mở rộng và trải dài khắp dải đất hình chữ S của Việt Nam. Những ngư dân quanh năm bám biển thì nay họ thất nghiệp, thuyền ghe không thể ra khơi, khó khăn chồng chất khó khăn. Trên những đôi tay chai sần vì nước biển, những tấm phiếu mua hàng tại Chợ Nhân đạo thật lạ lẫm nhưng gói gém biết bao sẻ chia, đùm đọc giúp nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn, thiên tai dịch họa.
Nhiều suất quà đã được trao tận tay người nghèo. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội trao quà cho người dân tại Chợ Nhân đạo). Ảnh: Đức Long
Trong cái nắng chao lửa tháng 5, người dân Nam bộ phải gồng mình chống chọi với hạn hán và xâm nhập mặn, những phiên chợ tình người dựng lên đã làm dịu đi cơn khát, bớt đi nỗi khó khăn nhọc nhằn. Chị Nguyễn Lương Hồng - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nghệ An cùng đoàn tình nguyện vác hàng lên vùng biên giới huyện Tương Dương, Con Cuông để hỗ trợ người dân nơi này, chị bảo: Đi cả ngày đường vất vả mới mang hàng đến nơi khó khăn này nhưng hạnh phúc lắm, được chia sẻ với bà con. Có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay cùng chúng tôi nên phiên chợ này rộn rã như mở hội. Chợ mở ra theo cách chợ quê mà nhộn nhịp khắp cả vùng biên giới. Người dân được phát phiếu có mệnh giá tiền vào chợ lựa chọn mặt hàng mình cần, người bán thu phiếu và ra về đổi phiếu lấy tiền mặt từ những cán bộ CTĐ.
Chợ Nhân đạo sẽ không thể thành công và thu được kết quả ấn tượng đến như thế nếu không có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng hành cùng Hội CTĐ Việt Nam về dự phiên chợ nhân đạo tại Đại Lộc (Quảng Nam) có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư về dự chợ tại Hà Tĩnh, phiên chợ có mặt của Bí thư, Chủ Tịch tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam tham dự.
Cán bộ Chữ thập đỏ tận tình, ân cần trao hàng cho người dân tại Chợ Nhân đạo. Ảnh: Hoàng Tiến
Trong bài phát biểu của mình tại phiên Chợ Nhân đạo, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư nhấn mạnh: “Hôm nay về dự phiên chợ này của Hội CTĐ Việt Nam, phiên chợ với mục đích giúp người dân khó khăn. Tôi vui mừng được cùng Hội chia sẻ những khó khăn với bà con. Tôi đánh giá cao kết quả hoạt động Tháng Nhân đạo của Hội CTĐ Việt Nam, những con số ấn tượng những cách làm sáng tạo và rất tình người...”.
Hơn 110.000 người dân được trợ giúp đã hòa cùng sắc áo đỏ của những người làm công tác nhân đạo tại các phiên chợ khắp các vùng miền của tổ quốc, mang yêu thương đến với người dân trong đại dịch. Thử nghĩ xem từ mô hình và cách làm này, Chợ Nhân đạo có thể mở ra hàng tháng ở mọi vùng miền và mỗi chúng ta với tình cảm và trách nhiệm của mình hãy thực hiện tốt thông điệp “chung tay một phần, giúp dân đi chợ”.
Với sự đoàn kết trách nhiệm của mỗi công dân, đại dịch sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Nhưng sau cơn “bão dịch” sẽ lại có thêm những khó khăn chồng chất khó khăn với những hộ nghèo, những người yêu thế và kém may mắn trong xã hội. Và những chiến sĩ áo đỏ lại tiếp tục lên đường với thông điệp “Dù bạn là ai, khi bạn cần – chúng tôi có mặt”, làm cây cầu kết nối những yêu thương, sẻ chia và lan tỏa trong cộng đồng.
Theo nhandaovadoisong.vn